Hiện nay, mua bán và sáp nhập được nhắc đến rất nhiều và cũng là một xu hướng của thị trường Việt Nam. Trong khuôn khổ bài viết dưới đây, PSB Việt Nam tập trung phân tích các lợi ích cơ bản khi thực hiện việc mua lại doanh nghiệp đang hoạt động.
Nếu bạn có nguồn vốn dồi dào, ý tưởng kinh doanh thực sự tốt, bạn có thể nghĩ đến việc thành lập một doanh nghiệp mới.
Tuy nhiên, cũng có sự lựa chọn nữa đó là "mua lại một doanh nghiệp đang hoạt động và điều hành với vị trí CEO."
Trước hết hãy tìm hiểu cơ bản về mua bán doanh nghiệp:
- Thứ nhất, hình thức thực hiện
Mua bán doanh nghiệp: Không nhất thiết toàn bộ mà đôi khi chỉ là một bộ phần tài sản của doanh nghiệp bị mua lại phải gộp chung với tài sản của doanh nghiệp mua lại.
Theo quy định của pháp luật hiện hành việc mua bán doanh nghiệp được quy định với các loại hình DN như sau:
- Công ty tư nhân có quyền bán toàn bộ doanh nghiệp.
- Công ty cổ phần thì hình thức mua bán chủ yếu để giành quyền kiểm soát doanh nghiệp được thực hiện theo phương thức chuyển nhượng cổ phần.
- Công ty TNHH thì được chuyển nhượng vốn góp trong công ty.
Mua bán doanh nghiệp: Sau khi hợp đồng có hiệu lực, công ty bị mua lại sẽ chấm dứt hoạt động đối với phần bị mua lại, công ty mua lại được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của phần công ty bị mua lại.
Lợi ích của việc mua lại doanh nghiệp đang hoạt động:
- Kế thừa hồ sơ năng lực của doanh nghiệp
Doanh nghiệp đang tồn tại bao giờ cũng lưu giữ những số liệu hoạt động tài chính, năng lực hoạt động, các hợp đồng, khách hàng đã thực hiện... Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút các nguồn tài trợ và đầu tư và tham gia các hoạt động tiếp theo của doanh nghiệp sau này như đấu thầu, đấu giá...
Ví dụ như ở Việt Nam, khá nhiều trường hợp hồ sơ mời thầu, bên mời thầu yêu cầu nộp báo cáo tài chính trong 03 năm hoặc có báo cáo tài chính 03 năm trở lên thì mới được tham gia. Về mặt pháp luật thì yêu cầu này không bắt buộc. Tuy nhiên cũng có thể thấy, các doanh nghiệp có nền tảng hoạt động sẽ có lợi thế lớn trong việc tham gia thầu triển khai các hoạt động, dự án. Vậy thay vì thành lập một doanh nghiệp mới, bạn có thể mua lại một doanh nghiệp đang hoạt động để tận dụng các hồ sơ năng lực của doanh nghiệp mua lại.
- Kế thừa khách hàng, thị trường, sản phẩm, dịch vụ
Nếu bạn bắt đầu công việc kinh doanh với một startup, bạn phải bước từ đầu con đường mà không biết liệu sản phẩm hay dịch vụ này có phải là điều mang lại lợi nhuận không. Trước khi bạn kiếm được tiền, bạn cần phát triển sản phẩm hay dịch vụ, nhận diện khách hàng tiềm năng, tìm cách đưa sản phẩm dịch vụ đến với khách hàng, tuyển nhân viên, đào tạo nhân viên, tiếp thị, xây dựng hệ thống quản lý,... Sau đó, bạn còn phải hy vọng khách hàng sẵn sàng mua sản phẩm, dịch vụ với giá cao đủ để công ty bạn có lợi nhuận.
Mua một công ty đã có sẵn lợi nhuận là cách ít rủi ro hơn. Không phải không có rủi ro nhưng chắc chắn sẽ an toàn hơn vì sản phẩm, dịch vụ của công ty đã có sẵn. Nếu mua loại công ty này, hầu như bạn chỉ cần tập trung vào việc cải thiện và tăng trưởng.
- Bớt đi một đối thủ cạnh tranh
Bạn đang có ý định thành lập doanh nghiệp mới cùng lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm vào cùng một thị trường mục tiêu, và ở cùng một khu vực địa lý với doanh nghiệp bạn đang xem xét để mua lại, thì một trong những lợi ích của việc mua lại một doanh nghiệp chứ không lập ra một doanh nghiệp mới sẽ là bớt đi một đôi thủ cạnh tranh đó.
- Vẫn có cả các lợi ích bất ngờ khi mua lại các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ
Thường thì khi mua doanh nghiệp, chúng ta thường quan tâm đến các doanh nghiệp đang làm ăn phát triển, hoặc chưa phát triển nhưng có nhiều tiềm năng để phát triển trong tương lai.
Vậy nếu mua lại doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ thì được lợi ích gì?
Thứ nhất, các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, chắc chắn chi phí bỏ ra để mua lại doanh nghiệp này sẽ thấp hơn so với các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả.
Thứ hai, là lợi ích về nghĩa vụ thuế nộp NSNN. Nếu chúng ta mua lại một doanh nghiệp kết quả kinh doanh thua lỗ (số liệu được xác nhận từ cơ quan thuế), chúng ta xác định sẽ tái cấu trúc lại hoạt động của doanh nghiệp và kỳ vọng sẽ phát triển doanh nghiệp làm ăn có lãi trong tương lai. Hãy nhớ doanh nghiệp được kế thừa cả các khoản lỗ hoạt động kinh doanh của các năm trước. Do vậy nếu Doanh nghiệp bạn làm ăn hiệu quả và có lãi, bạn sẽ được bù trừ lỗ của các năm trước (quy định chuyển lỗ liên tục trong vòng 05 năm) trước khi tính toán nghĩa vụ thuế Thu nhập doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cũng sẽ tiết kiệm được đáng kể khoản chi phí thuế Thu nhập doanh nghiệp rồi đấy (thuế suất thuế TNDN hiện hành là 20%)
Trên đây là những trao đổi chia sẻ của PSB Việt Nam về những lợi ích khi quyết định mua lại doanh nghiệp đang hoạt động. Tuy nhiên để đi đến quyết định cuối cùng còn rất nhiều các yếu tổ khác cả từ phía chủ quan và khách quan cả nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp các bạn nhé.